Dịch vụ SEO hứa hẹn đẩy website của bạn lên Top với từ khóa thuộc loại nào? Hiểu và phân biệt được các loại từ khóa giúp bạn kiểm soát mình có đang làm SEO đúng hướng không. Phân loại từ khóa theo 3 khía cạnh: tính chất, số lượng từ, mục đích sẽ mang đến cho bạn cái nhìn đầy đủ hơn về từ khóa.
Từ khóa (keyword) bao gồm một từ hoặc cụm từ được người dùng Google gõ vào khay tìm kiếm. Từ đó, bộ máy của Google sẽ rà soát những website có thông tin liên quan tới từ khóa, xếp hạng và giới thiệu website đến người dùng. Ví dụ bạn muốn tìm một công ty làm SEO cho mình, bạn có thể search từ khóa “dịch vụ SEO hcm”. Và keyword là yếu tố tiên khởi trong công cuộc SEO quyết định website của bạn lên Top Search hoặc biệt vô âm tín.
Phân loại từ khóa giúp bạn làm SEO đúng mục tiêu một cách tối ưu nhất.
A. Phân loại theo tính chất từ khóa
1. Từ khóa chính
Từ khóa chính (main keyword) là loại từ khóa chủ chốt cho toàn website. Nó mang tính bao quát rộng, tạo định hướng để phân ra thành các từ khóa phụ. Một main keyword thường trả lời cho câu hỏi: website của bạn cung cấp gì? Ví dụ: kem dưỡng da, sửa laptop, dịch vụ SEO,…
Bạn có thể dễ dàng nhận ra nhiều tên miền có chứa từ khóa chính. Website “kemduongda.org” có từ khóa chính là “kem dưỡng da”, website “daudua.net.vn” chứa từ khóa chính là “dầu dừa”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp bạn cần xem nội dung bên trong để nhận ra main keyword của website đó. Chẳng hạn như “gobranding.com.vn” là một trường hợp như vậy.
2. Từ khóa phụ
Nếu từ khóa chính là thân cây thì từ khóa phụ là hoa-lá-cành. Bắt nguồn từ main keyword, SEOer sẽ cắm thêm “râu ria” cho nó. Từ khóa phụ mang tính chi tiết hơn, thể hiện cụ thể nhu cầu khách hàng. Có hai kiểu phát triển từ khóa phụ bạn “gặp hoài”:
- Từ khóa cộng: bao gồm từ khóa chính + các cụm từ có nghĩa.
Dịch vụ SEO chuyên nghiệp = Dịch vụ SEO + chuyên nghiệp
Laptop chơi game giá rẻ = Laptop + chơi game + giá rẻ - Từ khóa địa phương: là từ khóa gắn thêm khu vực địa lý như “mua hoa ở quận 5”, “khu ăn vặt tại Sài Gòn”,…
3. Từ khóa ngách
Một số người nhầm tưởng từ khóa ngách và từ khóa phụ là một. Chúng hoàn toàn khác nhau. Từ khóa ngách không hề chứa từ khóa chính. Khi nhắc tới “bóng đá” bạn nghĩ ngay đến: World Cup, UEFA EURO, Messi, Ronaldo,… Những từ như vậy được xem là từ khóa ngách.
Từ khóa ngách giúp bạn không bỏ quên những khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm những chủ đề có “dính líu” đến sản phẩm của bạn.
B. Phân loại từ khóa theo số lượng từ
1. Từ khóa ngắn
Đây là những từ khóa có độ dài từ 1 đến 3 từ. Do ý nghĩa bao quát của chúng quá rộng, mức độ cạnh tranh cao nên rất khó để làm SEO. Người dùng khi muốn mua smartphone, họ không search một từ duy nhất “smartphone”. Họ sẽ gõ cụm từ thể hiện rõ nhu cầu: “mua smartphone giá rẻ”, “smartphone chụp ảnh tốt nhất”,… Nếu chỉ dùng một keyword quá ngắn để SEO thì làm sao đáp ứng muôn hình vạn trạng trong nhu cầu tìm kiếm của khách hàng?
Bạn vẫn có thể lên Top Search bằng từ khóa ngắn, nhưng chắc chắn nó đòi hỏi bạn cần nhiều thời gian, sức lực và ngân sách.
2. Từ khóa dài
Từ khóa dài chứa 5 từ trở lên, là dạng mở rộng của của khóa ngắn. Nhìn chung, từ khóa càng dài càng giảm về mức độ cạnh tranh và cả lượng tìm kiếm, nhưng đồng thời giúp dễ SEO. Do đó, từ khóa từ 4 – 6 từ được khuyến khích để đầu tư nhờ lượng tìm kiếm còn khá nhiều và mức độ cạnh tranh thấp hơn từ khóa ngắn.
Với kiểu từ khóa dài như: quán bún ngon sài gòn, thời trang Hàn Quốc đẹp, dịch vụ SEO uy tín,… có thể giúp website tăng tỷ lệ chuyển đổi.
C. Phân loại từ khóa theo mục đích
1. Từ khóa thông tin (Information keywords)
Người dùng sử dụng từ khóa này để tìm hiểu những kiến thức liên quan đến lĩnh vực của bạn. Lúc này, họ chưa có ý định mua hàng, đơn giản là họ đang muốn có thêm thông tin cho vấn đề của mình. Bạn sẽ nhận ra ngay loại từ khóa này khi nó có dạng “làm sao”, “như thế nào”, “cách để”,… Có hai loại từ khóa thông tin:
a. Từ khóa vấn đề
Khách hàng tiềm năng của bạn đang gặp vấn đề và họ nêu thẳng vấn đề ấy khi tìm kiếm thông tin. Ví dụ: ăn gì bổ mắt, cách để máy tính chạy nhanh, sử dụng máy giặt như thế nào,…
b. Từ khóa giải pháp
Khác với từ khóa vấn đề, từ khóa giải pháp chứa cách thức giải quyết vấn đề. Người dùng trong trường hợp này đã có sự chú ý với một giải pháp cụ thể, họ muốn hiểu kĩ hơn về giải pháp đó. Ví dụ: cách dùng dầu dừa trị mụn, bài tập yoga giảm cân, rau ngót trị mụn,…
2. Từ khóa mua hàng (Buyer Keyword)
Người dùng sử dụng loại từ khóa này khi ý định mua của họ đã rõ ràng hơn. Họ tìm kiếm những thông tin liên quan đến sản phẩm và có xu hướng thực hiện việc chi tiền. Buyer keyword thường chứa từ “mua”, “thuê”, “download”,…
Ví dụ: mua xe trả góp, thuê phòng trọ, đặt vé máy bay,…
3. Từ khóa thương hiệu (Brand Name Keyword)
Người dùng sử dụng từ khóa thương hiệu khi họ đã có nhận thức nhất định về thương hiệu của bạn. Họ search trực tiếp tên thương hiệu, tên website, tên miền, hoặc gắn tên thương hiệu vào sản phẩm.
Ví dụ: “Gobranding” hoặc “dịch vụ SEO Gobranding”.
Mỗi loại từ khóa có tác dụng khác nhau. Bạn cần biết phối hợp chúng cho phù hợp với chiến lược SEO hiện tại và lâu dài. Tìm đến sự hỗ trợ từ một dịch vụ SEO chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tận dụng tối đa giá trị mà SEO từ khóa mang lại.
Để lại một phản hồi